Skip to content

Thúc đẩy thực thi quyền của TE/TTN cho các tổ chức xã hội các tỉnh thành miền Nam, Việt Nam

Dự án giai đoạn 1

Đối tác hỗ trợ : Chương trình Đối tác Tư pháp (JPP) là chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch, Chính phủ Thụy Điển và Ủy ban châu Âu nhằm hỗ trợ chương trình cải cách tư pháp tại Việt Nam. Mục tiêu của JPP dựa trên cơ sở Chiến lược Cải cách Tư pháp của Việt Nam (JRS): Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ và bảo vệ công lý.

Quỹ Hỗ trợ các Sáng kiến Tư pháp (JIFF) là hợp phần 3 của JPP nhằm tăng cường năng lực của các tổ chức ngoài nhà nước góp phần nâng cao nhận thức về các quyền cơ bản, tiếp cận công lý và cải cách tư pháp.

Mục đích của dự án

Góp phần thúc đẩy thực thi quyền của trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn thông qua một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự (TCXHDS) có năng lực tại một số tỉnh thành miền nam, Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của dự án

Sau 15 tháng thực hiện dự án tại 4 thành phố (TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long) thuộc miền Nam, Việt Nam, dự án sẽ đạt được các mục tiêu sau:

  • Mục tiêu 1: Nâng cao năng lực thực hành cho các TCXHDS nhằm bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi tình trạng bị bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục.
  • Mục tiêu 2: Tăng cường nhận thức, kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên để các em tự tin và biết cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ và tình trạng bị bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục.

Địa bàn hoạt động: TP.HCM, thành phố Bến Tre, thành phố Cần Thơ và thành phố Vĩnh Long.

Thời gian của dự án : 15 tháng

Đối tượng hưởng lợi cuối cùng: Trẻ em, thanh thiếu niên nam nữ có nguy cơ hoặc rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục

Các hoạt động chính:

  • Để đạt được mục tiêu 1 cần có các hoạt động: (1) Củng cố, xây dựng mạng lưới các TCXHDS nhằm bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên  khỏi bị bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục; (2) Hỗ trợ các TCXHDS xây dựng cụm mạng lưới bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên dựa vào cộng đồng; (3) Xây dựng qui trình can thiệp và kết nối các dịch vụ trợ giúp pháp lý/trợ giúp xã hội cho trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ hoặc rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; (4) Thực hiện quy trình can thiệp và kết nối các dịch vụ trợ giúp pháp lý/trợ giúp xã hội cho trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ hoặc rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; (5) Nâng cao năng lực tư vấn ban đầu và xác định nhu cầu của trẻ em/thanh thiếu niên có nguy cơ hoặc rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; (6) Xây dựng thư viện luật, chính sách liên quan đến trẻ em/thanh thiếu niên và chủ đề quyền được bảo vệ của trẻ trên website; và (7) Truyền thông thúc đẩy thực thi việc bảo vệ trẻ em/thanh thiêu niên trong mạng lưới các TCXHDS.
  • Để đạt được mục tiêu 2 cần có các hoạt động: (1) Tổ chức 6 lớp tập huấn quyền trẻ em cho trẻ em và thanh thiếu niên; (2) Sản xuất và phân phối tài liệu truyền thông về quyền được bảo vệ của trẻ em và thanh thiếu niên, tập trung vào chủ đề bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục; và (3) Truyền thông và tư vấn pháp luật cho trẻ em/thanh thiếu niên có nguy cơ và người nuôi dưỡng của trẻ em/thanh thiếu niên tại địa phương

Các kết quả/ đầu ra

Ngắn hạn:

  • Năng lực làm việc của nhóm thực hiện dự án được nâng cao trong việc khởi xướng, tổ chức thực hiện và quản lý dự án về pháp lý cho trẻ em/thanh thiếu niên
  • Có 1 mạng lưới các TCXHDS có sự tham gia của 20 thành viên được hình thành để hoạt động bảo vệ trẻ em/thanh thiếu niên khỏi nguy cơ và tình trạng bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục.
  • Có 70 cán bộ từ 20 TCXHDS tại 4 thành phố (TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long) được nâng cao năng lực thực hành phát hiện, cảnh báo, tư vấn ban đầu và hỗ trợ cung cấp dịch vụ pháp lý, xã hội cho trẻ em/ thanh thiếu niên có nguy cơ và rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục
  • Có 5 cụm mạng lưới bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên dựa vào cộng đồng được xây dựng và hoạt động
  • Có 1 bộ qui trình tư vấn ban đầu, kết nối trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ hoặc rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục đến các dịch vụ trợ giúp pháp lý, xã hội
  • Có 1 thư viện luật và chính sách liên quan đến trẻ em/thanh thiếu niên và chủ đề quyền được bảo vệ của trẻ được đăng tải trên website
  • Có 1 Website mới được xây dựng
  • Có ít nhất 25 trường hợp trẻ em/thanh thiếu niên có nguy cơ hoặc rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục được giải quyết theo quy trình. 25 trường hợp này có bộ hồ sơ xã hội có cập nhập thông tin, theo dõi và báo cáo tình hình của từng em kèm theo.
  • Có 180 trẻ em/thanh thiếu niên được tập huấn về quyền được bảo vệ và luật liên quan (Luật lao động, luật hình sự, luật phòng chống buôn bán người)
  • Có 5 buổi tư vấn pháp luật liên quan đến trẻ em cho trẻ em/thanh thiếu niên và người nuôi dưỡng. Mỗi buổi tư vấn có tối thiểu 60 người tham gia và 25 câu hỏi được các luật sư giải đáp.
  • Có 10.000 tờ rơi về quyền được bảo vệ của trẻ em/ thanh thiếu niên và 1000 cuốn cẩm nang được sản xuất nhằm hướng dẫn và cung cấp thông tin, chính sách và các điều luật nhằm bảo vệ trẻ em/thanh thiếu niên khỏi bị bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục.
  • Có 90% số đối tượng đích đánh giá tích cực về tài liệu truyền thông của dự án.

Trung hạn:

  • Năng lực của nhóm thực hiện dự án được nâng cao trong việc xây dựng, điều phối và duy trì mạng lưới các TCXHDS
  • Năng lực truyền thông gây quỹ của Trung tâm được nâng cao hướng đến sự bền vững cho dự án và tổ chức (Đánh giá qua số tiền gây quỹ được hàng năm)
  • Quyền cơ bản của trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là quyền được bảo vệ được các bên liên quan (chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng, phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý) quan tâm hơn.

Dài hạn:

  • Các nhân tố khác nhau (tổ chức xã hội dân sự, truyền thông, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý) tại 4 thành phố (TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long) thành một mạng lưới cộng tác một cách có hệ thống để thúc đẩy việc thực thi quyền trẻ em. 
  • Dự án góp phần nâng cao năng lực của các tổ chức ngoài nhà nước tại 4 thành phố (TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long) trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho trẻ em, thanh thiếu niên
  • Dự án hướng đến việc góp phần nâng cao năng lực tư pháp và pháp lý cho chính trẻ em, thanh thiếu niên tại 4 thành phố (TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long).
  • Mô hình hoạt động của Trung tâm Tương Lai được nhân rộng ra nhiều TCXHDS ở các tỉnh thành phía nam.

 

Dự án giai đoạn tiếp theo

Đối tác hỗ trợ: Quỹ Canada thuộc Đại sứ quán Canada

Mục đích của dự án:

Góp phần đảm bảo việc bảo vệ và hội nhập xã hội của trẻ em gái có nguy cơ bị cưỡng ép kết hôn sớm thông qua một mạng lưới các nhân tố có năng lực tại địa phương

Mục tiêu cụ thể của dự án:

Sau 4 tháng thực hiện dự án, có 200 trẻ em gái có nguy cơ bị cưỡng ép kết hôn sớm tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được tăng năng lực tự bảo vệ thông qua sự hỗ trợ của chính quyền và các nhân tố khác tại địa phương.

Kết quả mong đợi của dự án:

  • Xây dựng năng lực: Năng lực làm việc của cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên dự án và các bên có liên quan khác trong việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng và dựa vào cộng đồng cho trẻ em gái có nguy cơ được tăng cường.
  • Truyền thông vận động: Các quyền cơ bản của trẻ em gái có nguy cơ, nhất là quyền được tiếp cận giáo dục, việc làm, vui chơi giải trí và các hoạt động văn hóa được các bên liên quan (chính quyền địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quần chúng, phương tiện thông tin đại chúng) quan tâm giải quyết.
  • Cung cấp dịch vụ: Trẻ em gái có nguy cơ được hưởng lợi từ các dịch vụ có chất lượng dựa vào cộng đồng để hội nhập gia đình, cộng đồng và xã hội.

Địa bàn hoạt động: Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Thời gian của dự án: 4 tháng

Đối tượng hưởng lợi: Trẻ em gái có nguy cơ từ 12 - 16 tuổi

Các hoạt động chính:

  • Xây dựng sổ tay
  • Cung cấp các khóa đào tạo cho cán bộ
  • Diễn đàn về quyền trẻ em
  • Tập huấn chuyên đề về quyền trẻ em cho trẻ em
  • Hội trại
  • Xây dựng và phân phối tờ rơi
  • Tọa đàm “Phòng chống cưỡng ép, kết hôn sớm đối với trẻ em gái”
  • Sản xuất phim tài liệu
  • Hỗ trợ trẻ em gái học chữ, học nghề và bảo vệ sức khỏe

Triển khai chương trình tư vấn pháp luật

Triển khai chương trình tư vấn pháp luật
Chương trình tư vấn pháp luật về luật lao động, quyền trẻ em sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2014 tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM. Dự kiến có hơn 60 cán bộ nhân…

Cảnh báo nguy cơ trẻ bị xâm hại tại cụm mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại TP.HCM

Cảnh báo nguy cơ trẻ bị xâm hại tại cụm mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại TP.HCM
Vào ngày 20 tháng 02 năm 2014, tiếp tục chuỗi hoạt động xây dựng cụm mạng lưới bảo vệ trẻ em/thanh thiếu dựa vào cộng đồng, dự án “Thúc đẩy thực thi quyền của trẻ…

Báo động nạn xâm hại tình dục trẻ em

Báo động nạn xâm hại tình dục trẻ em
Thật sự tôi không khỏi rùng mình khi đánh dòng chữ: hãm hiếp bé gái trên Google thấy hiện ra 1.980.000 kết quả trong thời gian tìm kiếm là 0,20 giây. Xin được nhấn mạnh…

Có những mảnh đời cần vòng tay giúp đỡ

Có những mảnh đời cần vòng tay giúp đỡ
“Một ngôi nhà nhỏ bé bé xinh xinh Một ngôi nhà nhỏ có ba, có mẹ Một ngôi nhà nhỏ em được đến trường Một ngôi nhà nhỏ em được vui chơi Ước mơ nho…

Tuyển dụng Điều phối viên

Tuyển dụng Điều phối viên
Ngày: 18/02/2014 17:00
Dự án “Thúc đẩy thực thi quyền của trẻ em và thanh thiếu niên (TE/TTN) cho các tổ chức xã hội (TCXH) các tỉnh thành miền Nam, Việt Nam” do Quỹ Hỗ trợ các Sáng…

Tập huấn Quyền trẻ em cho trẻ em và thanh thiếu niên

Tập huấn Quyền trẻ em cho trẻ em và thanh thiếu niên
Vào ngày 19 tháng 1 năm 2014 vừa qua, Trung tâm Tương Lai đã tổ chức lớp tập huấn “Quyền và các luật liên quan cho trẻ em/thanh thiếu niên”. Đây là một hoạt động…

Hội thi "Tự bảo vệ" tại Mái ấm quận 8

Hội thi
Ngày 11 tháng 01 năm 2014 vừa qua, Mái Ấm Quận 8 đã tổ hội thi với chủ đề “Tự bảo vệ” với sự tham gia của 12 trẻ nam có độ tuổi từ 12…